Địa chỉ IP là chuỗi số được phân cho mỗi website hay thiết bị kết nối Internet. Giao thức IPv4 chứa 4,3 tỷ địa chỉ IP nhưng sự bùng nổ của các thiết bị có khả năng hỗ trợ Internet toàn cầu, đặc biệt là các thiết bị di động, khiến nguồn địa chỉ này cạn kiệt từ năm 2011. Giao thức IPv6 đã ra đời, mang đến không gian địa chỉ lớn hơn, dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn.
Tổng Giám đốc FPT Telecom, Nguyễn Văn Khoa, nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng và dịch vụ trên nền tảng IPv6 sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của FPT Telecom. Ông cho rằng, ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thì sự bùng nổ về các dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet là điều tất yếu, đặc biệt đối với thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và khu vực đông dân cư như châu Á. Để đáp ứng sự phát triển ấy, mạng truyền thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.
Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt chính là sự cạn kiệt của không gian địa chỉ IPv4. CEO FPT Telecom nhận định, giao thức IPv6 ra đời như một giải pháp công nghệ mới duy trì hoạt động Internet ổn định lâu dài trong tương lai, không những giải quyết được vấn đề cạn kiệt địa chỉ mà còn khắc phục được những hạn chế của IPv4 cũng như cung cấp thêm những thuộc tính vượt trội khác. Vì vậy, FPT Telecom đã bắt tay vào việc khai thác, cung cấp dịch vụ IPv6 từ việc chuẩn bị nguồn nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý giám sát, ứng dụng nội bộ và các dịch vụ khác.
Thiết bị di động tràn ngập khiến nguồn IPv4 cạn kiệt. Ảnh: jeffkorhan.
Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn một là giai đoạn chuẩn bị trong các năm 2011-2012, giai đoạn hai là giai đoạn khởi động, kéo dài từ 2013 đến 2015 và cuối cùng là giai đoạn chuyển đổi từ 2016 đến 2019.
Theo đó, 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn ba với mục tiêu là hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị, đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động tương thích, an toàn với IPv6.
Cuối năm 2015, FPT Telecom kết nối thành công vào Google, Facebook, HKIX, Microsoft, các website qua giao thức IPv6. Bên cạnh đó, công ty thiết lập kết nối IPv6 đi quốc tế và trong nước, dung lượng kết nối quốc tế đạt 60 Gb/giây. Sau quá trình cung cấp thử nghiệm thành công với hơn 200.000 người dùng trên toàn quốc thời gian qua, FPT mạnh dạn chính thức cung cấp dịch vụ IPv6 trên diện rộng từ ngày 1/7 và kỳ vọng đạt hơn nửa triệu người dùng trong năm 2016.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Trưởng ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, nhận định FPT Telecom là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai IPv6, đạt được những kết quả cụ thể như mạng lõi đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi, thành công trong việc giải quyết các bài toán về thiết bị đầu cuối.
Tác giả bài viết: Châu An
Nguồn tin: sohoa.vnexpress.net
Đang truy cập : 388
•Máy chủ tìm kiếm : 28
•Khách viếng thăm : 360
Hôm nay : 42484
Tháng hiện tại : 1479968
Tổng lượt truy cập : 49034406